![](http://kienviet.net/uploads/bai-viet/2011-12/22001-ef51ad47bf683110b8c5ae5f6dca91e4.jpg)
Người
phụ nữ ấy không ăn mặc sành điệu bậc nhất, không mạnh mẽ tuyên bố cá
tính trên mái tóc hay trang phục kỳ quái. Có nơi nào chị thể hiện được
cá tính của mình một cách hùng hồn nhất ư? Đó có lẽ là những toà nhà.
Stylist riêng của thượng đế
![]() Nữ kiến trúc sư hàng đầu thế giới Zaha Hadid |
Chuyện cổ tích mang tên Zaha Hadid có
thể được (tôi) kể lại thế này: vì phụ nữ trên toàn thế giới quá cảm kích
trước món quà mà thượng đế dành tặng họ là những đôi giày cao gót gợi
cảm, họ đã quyết định họp lại, cử ra một người phụ nữ đặc biệt nhất, đủ
tài giỏi và can đảm để thiết kế một đôi giày cao gót tặng lại thượng đế.
Và chắc hẳn thượng đế sẽ hài lòng. Những đôi giày Melissa khổng lồ tinh
xảo đặt tại trụ sở chính của hãng giày Melissa ở thành phố Farroupilha,
Brazil với cấu trúc phi đối xứng là sự kết hợp hoàn hảo giữa những
đường nét của tự nhiên và những uốn lượn gợi sự chuyển động. Những đôi
giày vẫn gợi cảm và trông mỏng manh như những cánh hoa dù làm bằng chất
liệu xây dựng, thiết kế trông như sắp vút bay dù được gắn cố định dưới
mặt đất.
Và rồi khi thượng đế đã thử xong đôi
giày đó, người có thể muốn có thêm một chiếc túi xách sành điệu. Chiếc
túi Louis Vuitton màu trắng có lòng bên trong màu hồng đặt tại cửa hàng
của hãng tại Paris, Pháp đẹp và sành điệu hơn bất kỳ chiếc túi Louis
Vuitton nào tồn tại trên thế giới. Lại một lần nữa, cấu trúc phi đối
xứng làm nên cá tính của thiết kế, giúp chiếc túi mềm mại hơn cả chiếc
túi bằng da thật dù nó được làm bằng bêtông, lớp sơn màu hồng trơn tru
không khác gì lụa.
Mà rồi đã hết đâu, từ Anh đến Hong Kong,
từ Dubai đến Úc, thế giới được tô điểm bằng những món đồ phụ kiện đầy
cá tính, tinh tế đến giật mình. Với tôi, Zaha Hadid đang trang hoàng thế
giới như cách một stylist dựng style cho một ngôi sao và ắt hẳn ngôi
sao ấy rất phong cách và hiện đại.
![]()
Tác phẩm đôi giày Melissa đặt tại trụ sở chính của hãng Melissa ở Brazil.
|
Sinh năm 1950 tại Baghdad, Iraq trong
một gia đình trí thức, Zaha lớn lên đúng vào kỷ nguyên mà Trung Đông bị
trường phái nghệ thuật Hiện đại phù phép: kiều diễm, lạc quan và đầy tin
tưởng. Nghệ thuật kiến trúc tồn tại trong máu của Zaha. Ngay từ lần đầu
tiên đến thăm Sumer, khu di tích lịch sử ở miền Nam Iraq, nơi được coi
là cái nôi của ngành kiến trúc thế giới và nơi có những thành phố đầu
tiên được xây dựng, Zaha đã hoàn toàn bị mê đắm. Zaha kể cha cô là bạn
của Wilfred Thesiger, nhà thám hiểm người Anh. “Tôi đã thấy những đầm
lầy miền Nam Iraq trong những cuốn sách và những bức ảnh của ông ấy. Và
khi đó, mới ở tuổi teen, tôi đã trầm trồ. Bố tôi (một chính trị gia theo
khuynh hướng Tự do ở Iraq) đã dẫn chúng tôi đến thăm các thành phố ở
Sumer. Sau đó, chúng tôi chèo thuyền, rồi trôi trên những chiếc bè đan
bằng sậy để tới thăm những ngôi làng nhỏ bên đầm lầy. Vẻ đẹp của cảnh
thiên nhiên, nơi cát, nước, sậy, chim chóc, những ngôi nhà và con người
hoà quyện với nhau, làm tôi không bao giờ quên được.
Và những điều tuyệt vời còn đọng lại trong ký ức Zaha từ ngày đó đã không ngừng tạo cảm hứng cho chị. “Tôi
nỗ lực khám phá, đúng hơn là phát minh ra phong cách kiến trúc của
mình, những dạng khối kiến thiết đô thị. Tôi bắt đầu cố gắng tạo nên
những toà nhà có thể lấp lánh như những món đồ trang sức. Rồi tôi muốn
chúng kết nối với nhau, tạo nên một dạng thức không gian mới, hoà nhập
với những gì thành phố đó vốn có và cuộc sống hiện tại của những cư dân
trong đó”, Zaha nói.
Công trình đầu tiên Zaha làm là một trạm
cứu hoả nhỏ. Tác phẩm ra đời vô cùng lạ mắt với khối kiến trúc có thể
cảm nhận từ tứ phía (360 độ) mà theo Zaha nói lúc đó: “Tại sao chúng ta
chỉ có thể nhìn một ngôi nhà theo một hướng?”
Những năm 70 của thế kỷ trước, Zaha dừng
chân ở London, nơi cô bắt đầu sự nghiệp như một sinh viên của hiệp hội
kiến trúc. Cũng tại đây, Zaha gặp gỡ Rem Koolhaas, Elia Zenghelis và
Bernard Tschumi, những kiến trúc sư đã tạo nên bộ mặt mới cho châu Âu
những năm đầu thế kỷ 21. Và cô sinh viên kiến trúc ấy đã có dấu ấn ở
khắp nơi trên thế giới, trở thành một trong 100 người có ảnh hưởng nhất
thế giới của Time; bàn tay khéo léo đã giúp Zaha trở thành một trong 100
người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Là một phụ nữ,
bạn trang điểm, chọn quần áo, pha ly trà và ngắm nhìn những cái cây nho
nhỏ. Zaha làm tất cả những điều đó, y hệt như bạn, chỉ có điều với những
món đồ có kích thước khổng lồ và cô ấy làm đẹp cho cả hành tinh.
Người phụ nữ trong “lãnh địa” của nam giới
![]()
Toà nhà trung tâm BMW tại Leipzig, Đức được ra đời bởi tài năng thiết kế của Zaha.
|
Đến năm 2006, Zaha Hadid vẫn là tên tuổi
nữ thành danh duy nhất trong ngành kiến trúc thế giới. “Có không ít
những nữ kiến trúc sư nổi tiếng ở Mỹ, nhưng họ vẫn chủ yếu làm việc theo
nhóm cùng chồng mình như Bob Venturi và Denise Scott Brown (với tác
phẩm là toà nhà National Gallery’s Sainsbury Wing). Cũng có rất nhiều
những nữ kiến trúc sư vô cùng giỏi giang đang làm việc trong các văn
phòng địa phương hay của chính phủ trên toàn thế giới. Thế nhưng, với
phụ nữ, việc một mình bước vào thế giới cam go của ngành kiến trúc là vô
cùng khó khăn. Đó vẫn là lãnh địa của nam giới”, Zaha tâm sự về nghề.
Do đâu lại có sự bất cập đó? Bởi nghề kiến trúc sư, theo Zaha, cần 100% sự cống hiến. “Nếu
nó chưa “ăn tươi nuốt sống” bạn, nghĩa là bạn chưa đủ cố gắng. Thực sự
như vậy, bạn phải dành toàn bộ thời gian cho nghề. Bạn không thể chân
trong chân ngoài được đâu. Khi phụ nữ nghỉ thai sản chẳng hạn, sẽ rất
khó cho họ bắt kịp lại với công việc”. Đã thế, nữ kiến trúc sư còn chưa được đánh giá đúng với tài năng của họ.
“Rồi khi nữ kiến trúc sư bắt đầu thành công, báo chí, thậm chí cả báo
chí trong ngành, cũng tập trung nói về cách cô ấy ăn vận, đôi giày cô ấy
đi, những người cô ấy gặp (chứ không phải điều cô ấy làm trong sự
nghiệp). Điều đó thật đáng tiếc, đặc biệt là khi những người viết những
bài báo đó cũng là phụ nữ và quá hiểu công việc này”, Zaha lý giải.
Vậy điều gì tạo nên dấu ấn Zaha? Cương
quyết đi theo phong cách nữ tính hay nam tính phong cách của mình để hoà
nhập với cộng đồng đông đảo những kiến trúc sư nam? Zaha không chọn con
đường nào trong hai con đường đó. Chị tạo nên phong cách của mình khi
từ chối sự viên mãn của phong cách nữ tính nhưng lại phủ một lớp lãng
mạn, pha chút thần diệu khi biết khai thác những yếu tố vốn đã hoàn hảo
của tự nhiên trong các thiết kế của mình như ánh sáng chẳng hạn. “Là một
phụ nữ, tôi luôn được kỳ vọng sẽ tạo ra những thứ đẹp đẽ, xinh xẻo và
làm đẹp cho cả chính tôi nữa. Nhưng tôi không thiết kế những ngôi nhà
đáng yêu, tôi không thích những ngôi nhà đáng yêu. Tôi thích tạo ra
những ngôi nhà thô mộc, chân thật và sống động. Bạn không cần phải miết
cho ximăng thật mịn, sơn hay làm bóng bề mặt. Nếu bạn xem xét những thay
đổi trong trò chơi với ánh sáng tại ngôi nhà trước khi nó được xây
dựng, bạn thậm chí có thể dùng chính ánh sáng đó để “tô màu” cho lớp
ximăng thô ráp. Một vài năm trước, tôi bay từ New York đến Chicago trong
tuyết. Và khi bình minh lên, toàn cảnh thành phố trở nên bạc màu. Chỉ
có sự đối lập tuyệt đối của hai sắc đen và trắng trong khi nước của
những dòng sông và những con hồ chuyển màu đỏ máu. Tuyệt hảo! Tôi không
thể gọi đó là cảnh sắc đẹp đẽ nhưng nó thể hiện được quyền năng của ánh
sáng và tự nhiên, điều mà tôi thích thổi vào những ngôi nhà mà tôi thiết
kế”.
![]() Bộ dao nĩa dưới bàn tay sáng tạo của Zaha. |
Zaha kể chị thích thiết kế trường học, bệnh viện và những công trình xã hội.
“Tôi tin rằng kiến trúc bay bổng có thể tạo nên sự khác biệt cho cuộc
sống con người. Tôi ước ao rằng chúng tôi có thể dùng những nỗ lực của
mình trong việc kiến tạo những gallery hay viện bảo tàng nghệ thuật vào
việc sáng tạo nên những ngôi nhà phục vụ xã hội”. Zaha còn chia sẻ
chị muốn làm những món đồ giá thành thấp, sản xuất hàng loạt, có thể đến
được với số đông mọi người chứ không chỉ là một số ít những người giàu
có. “Tôi tự hào rằng mình tạo hứng khởi cho cuộc sống”, Zaha nói. Suy
nghĩ ấy chẳng phải rất ấm áp và rất phụ nữ sao? Zaha sống trong sự sáng
tạo. Các dự án mới đến liên tiếp với Zaha: những ngôi nhà chọc trời,
những nhà hát, những trung tâm hải dương học, bể bơi cho Thế vận hội
2012 ở London. Tất cả đều được (hoặc bị) cả thế giới kỳ vọng quá lớn.
Câu hỏi là làm thế nào để làm một khối lượng công việc khổng lồ mà Zaha
vẫn không ngừng tạo ra những điều mới? “Tôi vẫn chưa thôi “tham công
tiếc việc”. Nhưng chúng tôi phải nỗ lực bởi nhìn quanh bạn xem. Bạn có
thể thấy 150 kiến trúc sư bám lấy một cái mái nhà. Tôi nhận ra rằng
chúng tôi rất có thể trượt chân vào lối mòn tầm thường dù tôi không nghĩ
là tôi sẽ bị thế. Nhưng có lẽ, sẽ có lúc, tôi phải học từ chối một vài
dự án”. Zaha là thế, nỗ lực hết mình để tạo sự khác biệt và sinh tồn
trong thế giới kiến trúc khắc nghiệt bằng không gì khác, ngoài sức sáng
tạo của mình.
Nhìn cuộc sống của Zaha từ bàn vẽ đến những công trình
Tôi đã làm đúng như những điều Zaha
Hadid muốn – nhìn vào cô ấy, thành công của cô ấy như một kiến trúc sư
chứ không đóng khung cô ấy trong những góc nhìn cũ kỹ về phụ nữ như gia
đình và làm đẹp. Và thử tưởng tượng xem, sẽ thật diệu kỳ khi ta nhìn
được một người phụ nữ và ước mơ của cô ấy qua những toà nhà có hình dáng
đanh thép được điểm tô bằng những mảng kính và hợp kim kiêu hãnh trong
nắng mặt trời.
Bạn cứ ngắm nhìn và khám phá nhé! Còn
Zaha vẫn đang bận rộn bên màn hình gắn trên tường, thêm thắt những cây
cỏ nhiệt đới, hoạ tiết đại dương cho thiết kế của mình. Cô ấy đang sáng
tạo cho Yves St Laurent.
Trung tâm khoa học Phaeno do Zaha thiết kế tại Wolfsburg, Đức.![a941b727e09ce41b700f29e395336fc9.jpg a941b727e09ce41b700f29e395336fc9.jpg](http://kienviet.net/uploads/bai-viet/2011-12/22000-a941b727e09ce41b700f29e395336fc9.jpg)
Tác phẩm chiếc túi Louis Vuitton tại Paris.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét